Chiều ngày 21/9, tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, gói thuốc C là loại thuốc kháng virus có tên là Molnupiravir. Đây là một loại thuốc được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế. Vì vậy, Thanh tra Sở Y tế TP với Công an TP sẽ tìm hiểu và xử lý những vi phạm (nếu có) trước tình trạng rao bán thuốc C trên mạng xã hội.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Y tế TP nhấn mạnh, ngay từ đầu triển khai việc phát gói thuốc C, các nhân viên y tế phải giải thích rõ ràng cho những người dùng loại thuốc này, những người này phải ký vào văn bản đồng ý sử dụng thuốc. Cơ quan y tế địa phương quản lý rất chặt tất cả danh sách những người uống gói thuốc C, theo dõi mỗi ngày khi uống thuốc có vấn đề gì xảy ra hay không.
Gói thuốc C vô cùng đặc biệt, có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus, có tác dụng tiêu diệt SARS-COV-2. Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC)
Đặc biệt, tại một số địa bàn trọng điểm, nhóm các bác sĩ, chuyên gia của Trường đại học Y dược TP theo dõi sát hơn, lấy kết quả xét nghiệm vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 để theo dõi diễn tiến, đáp ứng virus của những trường hợp này. Như vậy, trên nguyên tắc, gói thuốc C khi sử dụng tại nhà hay tại các bệnh viện dã chiến, đều được quản lý rất là đặc biệt, chặt chẽ, có đầy đủ danh sách. Khi sử dụng thuốc còn tồn dư, phải trả trở về cho Sở Y tế để quản lý.
Thời gian qua, khi triển khai gói thuốc A, B, C để điều trị cho các F0 tại nhà, cộng đồng, TP đã lập 8 đoàn kiểm tra để liên tục kiểm tra các cơ sở y tế, xem vấn đề cấp gói thuốc này như thế nào.
Mới đây, khi có một số thông tin trên mạng cho biết có tình trạng rao bán gói thuốc C, ngày 21/9/2021, Sở Y tế đã ban hành văn bản 6788 để nhắc lại về vấn đề sử dụng và quản lý gói thuốc C này. “Hiện nay, Thanh tra Sở Y tế cùng với Công an TP đang tìm hiểu, điều tra và xử lý vi phạm nếu có xảy ra. Khi nào có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin” - ông Châu thông tin.
Cũng tại cuộc họp nói trên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, Sở này vừa có văn bản chấn chỉnh tình trạng một số quận huyện gom toàn bộ F0 vào khu cách ly tập trung do hiểu nhầm.
Theo bác sĩ Châu, hiện có một số địa phương gom toàn bộ ca mắc Covid-19 vào khu cách ly. Sở Y tế TP đã ghi nhận tình trạng này, liên tục gọi điện cũng như gửi văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện. "Có thể một số địa phương hiểu nhầm việc tách F0 ra khỏi cộng đồng tránh lây lan phải đưa vào khu cách ly tập trung" - ông Châu nói và cho biết chủ trương của TP là các F0 đủ điều kiện, nên cách ly tại nhà.
Ngoài ra, trong chiến lược điều trị của TP sắp tới cũng đẩy mạnh chăm sóc các F0 tại cộng đồng, đi kèm với hệ thống điều trị để sống chung với dịch. Các quận, huyện chỉ cách ly tập trung các bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, không thể theo dõi sát và nơi ở không đáp ứng điều kiện điều trị tại nhà.
Thời gian tới, TP sẽ giảm dần khu cách ly tập trung và các bệnh viện điều trị Covid-19 theo lộ trình nhất định. Từ nay đến ngày 30/9, các Bệnh viện đa khoa quận 7, Bệnh viện đa khoa Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ sẽ trở lại hoạt động như công năng ban đầu, điều trị các bệnh lý khác Covid-19.
Sau ngày 30/9, bệnh viện của các quận huyện khác sẽ được phục hồi công năng, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân như trước đây nhưng vẫn bố trí số lượng giường bệnh nhất định cho điều trị Covid-19.
"Hai chiến lược điều trị sắp tới của TP là đẩy mạnh chăm sóc F0 tại nhà và củng cố hệ thống điều trị để hướng đến sống chung với virus SARS-CoV-2" – ông Châu nhấn mạnh.
TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị Trung ương cấp 10 triệu bộ kit test nhanh Covid-19 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ 10 triệu bộ kit test nhanh và 1.000 người hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng tại TP từ nay đến cuối tháng 9/2021. Đồng thời, TP còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng huy động 4.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội hỗ trợ xét nghiệm. UBND TP cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng ngày 19/9 về tăng cường xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP và Công điện của Bộ Y tế, UBND TP đã làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án tổ chức xét nghiệm diện rộng tới 30/9. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP đã ban hành văn bản khẩn số 3113 về việc tiếp tục xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống Covid-19. Cụ thể, với vùng đỏ (nguy cơ rất cao) và vùng cam (nguy cơ cao) được xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 trong 14 ngày gần nhất và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày. Tại vùng xanh và vàng (nguy cơ thấp) sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, có tiếp xúc nhiều, không chọn người đại diện đã từng là F0. Cách thực hiện là triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình và giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên chỉ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khi người dân không thể tự lấy mẫu. |